Rác thải nhựa “xâm lấn” môi trường sống con người

Các vật dụng hằng ngày làm từ nhựa như vỏ chai, bọc nilong, ống hút… đều mang lại rất nhiều tiện ích cho con người. Tuy nhiên, sự tiện lợi trong ít phút này phải đánh đổi hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Môi trường luôn là đề tài “nóng” được mọi người quan tâm. Hiện nay, một trong những vấn nạn về ô nhiễm cần giải quyết cấp bách là lượng rác thải nhựa khổng lồ đang “xâm lấn” môi trường sống. Không hề nói quá khi cho rằng, rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc biến đổi hệ sinh thái.

1. Thực trạng rác thải nhựa hiện nay

Rác thải nhựa đang “xâm lấn” môi trường

Hằng năm, số lượng rác thải nhựa trên toàn cầu được tích lũy gia tăng với tốc độ chóng mặt. Riêng 2023, đã có hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, nhưng một nửa trong số đó chỉ sử dụng một lần và lượng tái chế ít hơn 10%. Điều này tương đương với việc, lượng chất thải nhựa do con người mang lại đủ để lấp kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, hơn một nửa chìm xuống đáy biển và phá hủy môi trường sống xung quanh.

Chỉ riêng Việt Nam, ước tính trung bình mỗi năm chiếm khoảng 2,9 triệu tấn rác thải ra ngoài môi trường, trong đó có hơn 30 tỷ túi nilong. Các sản phẩm làm từ nhựa rất tiện lợi nhưng đặc trưng của chúng là thời gian phân hủy rất lâu, mất từ vài trăm đến cả ngàn năm. Việc lạm dụng chúng nhưng không có giải pháp tương ứng dẫn đến tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong số những quốc gia có lượng rác thải nhựa cao nhất hàng năm. Bộ tài nguyên và Môi trường đánh giá thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay là vô cùng nghiêm trọng, nhưng phương pháp xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn  85% số lượng rác thải ở nước ta đều được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Điều này gây lãng phí tài nguyên môi trường và ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

2. Ảnh hưởng từ rác thải nhựa

Rác thải nhựa để lại hậu quả rất nghiêm trọng

Do tính chất khó phân hủy, nên hầu hết các rác thải đều được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Dù vậy, chúng vẫn tồn tại qua hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất đai, gây lãng phí tài nguyên môi trường. Đồng thời, một số rác thải xử lý không đúng cách có thể tạo nên hiệu ứng nhà kính, dẫn đến hậu quả biến đổi thời tiết.

Từ đó, hệ sinh thái và sức khỏe con người phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Các chất thải nhựa chìm xuống đáy biển tạo ra “ô nhiễm trắng” gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển. Đối với con người, khi ăn phải các loại thực phẩm nhiễm hạt vi nhựa sẽ mắc phải nhiều loại bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm nhựa đựng thực phẩm nóng cũng sản sinh ra độc tố làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Giải pháp khắc phục

Tái chế là biện pháp hiệu quả nhất

Để giải quyết tình trạng rác thải nhựa đang “xâm lấn” môi trường như hiện nay, điều đầu tiên là mỗi người cần nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường. Hạn chế tối đa các sản phẩm làm từ nhựa hoặc thay thế bằng những loại nhựa thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tái chế được xem là giải pháp hiệu quả nhất có khả năng giảm ô nhiễm môi trường. Thay vì sử dụng một lần, chúng ta có thể phân loại rác thải và tái sử dụng chúng. Việc này làm giảm một lượng lớn rác thải ra môi trường, tiết kiệm thời gian và nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang nằm trong tình trạng báo động cần chúng ta cùng nhau thực hiện ngay lúc này. Giảm thiểu lượng rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ môi trường và cảnh quan, xây dựng một hành tinh “xanh”.