Tái Chế “TÁI SINH” Môi Trường

Không nói quá khi cho rằng, rác thải nhựa chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường như hiện nay. Để giải quyết vấn đề cấp thiết ngay lúc này, tái chế chính là phương pháp hiệu quả nhất có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn. 

Nhu cầu tiêu thụ của con người ngày càng cao, đồng nghĩa với việc số rác thải tích trữ ngày càng lớn. Theo thống kê, trung bình mỗi năm toàn cầu có hơn 430 triệu tấn rác thải ra ngoài môi trường. Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với 9,1 tỷ tấn rác thải đang được tích tụ trên trái đất. Với nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa như hiện tại thì đến năm 2050, toàn cầu sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải bị chôn vào đất hoặc đổ xuống biển. Chính vì vậy, chúng ta cần phải cùng nhau tìm kiếm và thực hiện giải pháp giảm thiểu số lượng rác thải nhựa đổ ra ngoài môi trường.

1/ Tái chế lựa chọn hàng đầu

Tái chế là giải pháp có khả năng giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường

Đặc tính của các sản phẩm làm từ nhựa là mang lại tiện ích cho con người nhưng lại rất khó phân hủy. Thông thường, các rác thải nhựa sẽ được xử lý bằng biện pháp chôn vào lồng đất nhưng dù vậy, chúng vẫn tồn tại qua hàng trăm hàng ngàn năm, gây xói mòn đất, đe dọa hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng này. Và tái chế được xem là giải pháp hiệu quả nhất có khả năng làm giảm lượng chất thải nhựa “xâm lấn” môi trường.

Hiểu đơn giản, tái chế quá trình chuyển đổi các phế phẩm thành sản phẩm mới có thể sử dụng được nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên. Một quy trình tái chế cơ bản gồm các bước như thu gom, phân loại, xử lý và sản xuất lại sản phẩm mới. Đây là giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng rác thải ra ngoài môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tái chế còn được xem như là chìa khóa tiềm năng mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp sạch.

2/ Lý do cần phải thúc đẩy hoạt động tái chế

    • Bảo tồn tài nguyên

Tái chế góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Thay vì xử lý rác thải nhựa bằng biện pháp chôn lấp chiếm một phần lớn diện tích đất đai, gây tổn hại đến môi trường. Tái chế lại các vật liệu không còn sử dụng thành sản phẩm mới làm giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên, giúp tiết kiệm chi phí.

    • Bảo vệ môi trường

Tái chế góp phần bảo vệ môi trường

Suy cho cùng, tái chế vẫn là hoạt động hướng đến bảo vệ hành tinh chung của chúng ta. Rác thải nhựa khi thải ra ngoài môi trường sẽ sản sinh ra các hạt vi nhựa gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Đồng thời, sử dụng vật liệu tái chế trong quy trình sản xuất cũng sử dụng ít năng lượng hơn so với các nguyên liệu thô, giảm thiểu lượng khí thải cacbon gây ra hiệu ứng nhà kính.

    • Bảo vệ đại dương

Tái chế còn là giải pháp bảo vệ vùng biển

Theo ước tính, trung bình mỗi năm có hơn 8 triệu tấn nhựa đổ xuống đại dương, gây ra thiệt hại không nhỏ cho hệ sinh thái dưới nước. Việc liên tục xả rác thải nhựa xuống đại dương khiến các loại sinh vật nhiễm phải các chất độc từ vi nhựa dẫn đến tử vong. Hành động tái chế phần nào ngăn chặn hành vi vứt rác bừa bãi vào đại dương, bảo vệ hệ sinh thái vùng biển.

Từ những lợi ích đó, tái chế được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất có thể giảm thiểu một lượng rác thải ra ngoài môi trường. Chính vì vậy, hiện tại rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng nhau hành động tái chế, mở ra nhiều mô hình hoặc tích hợp cùng công nghệ để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.